Ba Bể phát triển du lịch bền vững gắn với trách nhiệm cộng đồng

Theo thống kê của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, những năm gần đây, lượng du khách đến với hồ Ba Bể đã ngày một tăng. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành vẫn chưa thực sự tương xứng với những tiềm năng sẵn có, đang khiến cho lãnh đạo địa phương và cộng đồng doanh nghiệp ngày đêm trăn trở.

Là vị “thuyền trưởng” chèo lái một doanh nghiệp có nhiều hoạt động nổi bật góp phần đưa du lịch hồ Ba Bể đến gần hơn với du khách, song trong tâm huyết của anh Nguyễn Tuấn Linh – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Phiêu lưu cùng Mr Linh vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ, vẫn miệt mài tìm kiếm giải pháp tốt nhất để du lịch của địa phương ngày một vươn xa hơn nữa.

Mặc dù không được sinh ra và lớn lên ở Bắc Kạn, song cơ duyên đã khiến cho vị giám đốc trẻ tài năng này gắn bó và ngày càng tâm huyết với mảnh đất này. Từ những kinh nghiệm của bản thân, sự am hiểu về đặc thù và những nét độc đáo của địa phương, năm 2008 anh quyết định thành lập Công ty TNHH Du lịch Phiêu lưu cùng Mr Linh (Mr Linh’s Adventures), với lĩnh vực hoạt động chính là cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái, mạo hiểm kết hợp khám phá vườn Quốc gia Ba Bể. Mr Linh’s Adventures sẽ giúp du khách trải nghiệm trekking – leo núi xuyên qua các cánh rừng nguyên sinh từ bản Cốc Tốc của người Tày cho tới Khau Qua của người Mông và Nà Nghè của người Dao Tiền, chèo thuyền kayak, đạp xe ven hồ Ba Bể…

Những cô gái người dân tộc trên chiếc thuyền độc mộc
Những cô gái người dân tộc trên chiếc thuyền độc mộc
 
Chất lượng dịch vụ của Mr Linh’s Adventures đã được nhiều du khách bình chọn trên các diễn đàn du lịch như Trip Advisor và được giới thiệu trong các cẩm nang du lịch trên toàn thế giới như Lonely Planet, Petit Futé... Cùng với một đội ngũ nhân viên trẻ trung, năng động am hiểu về lịch sử, địa lý, giỏi về chuyên môn, Công ty của anh đang ngày một phát triển, đóng góp một phần không nhỏ cho những thành công của ngành du lịch Bắc Kạn hiện nay.

Bắc Kạn nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 170km về phía Bắc, là một trong những địa phương được lịch sử của dân tộc để lại cho một tài sản vô giá với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, những lễ hội truyền thống… Bên cạnh đó, được mẹ thiên nhiên ưu đãi về cảnh vật, Bắc Kạn đã trở thành một trong những địa danh du lịch đặc sắc có một không hai ở nước ta với những thắng cảnh, rừng núi, hang động kì thú, những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với vườn Quốc gia Ba Bể là trung tâm. Tuy nhiên, điều mà anh Linh cũng như rất nhiều lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp còn băn khoăn đó chính là sự phát triển du lịch hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có. Làm thế nào để ngành du lịch địa phương phát triển một cách bền vững gắn với bảo tồn văn hóa cộng đồng?

Năm 2004, vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Đây là khu vực giàu có về đa dạng sinh học, có nhiều nét đặc trưng của hệ sinh thái điển hình rừng thường xanh trên núi đá vôi và hồ trên núi, rừng thường xanh đất thấp. Năm 1995, hồ Ba Bể đã được hội nghị "hồ nước ngọt thế giới" công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Đây cũng là khu vực được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về loài lan không chỉ của Việt Nam mà còn của cả toàn vùng Đông Nam Á với 182 loài.

Tuy nhiên, trong thực tế phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn nói chung và của vườn Quốc gia Ba Bể nói riêng những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với thế mạnh vốn có. Theo anh Linh, cái Bắc Kạn thiếu nhất vẫn là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn du lịch với phát triển cộng đồng bền vững. Đặc biệt là vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng để tạo thương hiệu điểm đến và nâng cao tính cạnh tranh trong ngành là vấn đề hết sức quan trọng.

Anh Nguyễn Tuấn Linh nhận định: Hiện nay, có khá nhiều địa phương đã xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù cho mình như: Du lịch tham quan trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa tại các địa bàn Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An theo tuyến đường sông, Đà Nẵng với du lịch biển, lễ hội Pháo hoa; Điện Biên - sức hút từ bề dày lịch sử, Mộc Châu - lễ hội Ban, Mai, đồi chè; Hà Giang - du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới và lễ hội hoa Tam Giác Mạch, Lào Cai - du lịch sinh thái và văn hóa, leo đỉnh Phan Xi Păng… Với du lịch Bắc Kạn, tỉnh vẫn chưa có được một sản phẩm đặc thù. Để xây dựng được một sản phẩm như thế thật sự cần rất nhiều thời gian và tâm huyết của các cấp chính quyền và những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
 
Trekking tại Vườn Quốc gia Ba Bể
Trekking tại vườn Quốc gia Ba Bể
 
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với hồ Ba Bể ngày một tăng, cũng theo anh Linh để cho du lịch phát triển một cách bền vững thì lợi ích đem lại cho các bên cần được chia sẻ hài hòa, nhất là lợi ích đối với người dân địa phương. Song để người dân biết cách làm du lịch, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần mở một lớp tập huấn về công tác làm du lịch như công tác đón tiếp khách, cách thức mở các dịch vụ phục vụ các nhu cầu của khách như: giải trí, đi lại, ăn uống, lưu trú…và quan trọng nhất là mở các lớp tiếng Anh cơ bản cho người dân để người dân địa phương có thể trực tiếp làm du lịch và trực tiếp hưởng lợi từ đó. Khi ấy phát triển du lịch không chỉ là nhiệm vụ của riêng chính quyền địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú hoạt động trên địa bàn mà là nhiệm vụ của cả cộng đồng địa phương.

Các bài viết khác

Cảm nhận

Các trường bắt buộc (*)