Hướng dẫn viên nhắc nhở nhóm trước khi tiến vào đoạn đường khó đi
Hành trình phiêu lưu
Giải thích về việc đổi tên hang Thẳm Phầy thành Lọ Mọ, ông Nguyễn Tuấn Linh cho biết, ông tìm được hang là do quá trình lọ mọ trong rừng, đi theo chỉ dẫn của những người dân địa phương. Quá trình khám phá hang, có nhiều chỗ phải đi bằng “bốn chân” đúng kiểu dáng lọ mọ, nên gọi là hang Lọ Mọ. Thêm nữa, các sản phẩm của Mr Linh’s Adventures chủ yếu phục vụ cho khách quốc tế nên gọi là hang Lọ Mọ cũng một phần là để cho khách dễ đọc, dễ nhớ. Có thể nói hành trình khám phá hang Lọ Mọ quả thực là một chuyến phiêu lưu đầy thú vị, mang đến cho du khách một chút cảm giác mạo hiểm, một chút cảm giác lạ lẫm và vỡ òa cảm xúc khi vượt qua những trở ngại để chinh phục hang.
Vượt suối
Do đêm hôm trước trời mưa nên buổi sáng chúng tôi xuất phát muộn. HDV dẫn đoàn cho biết, hang Lọ Mọ chưa được phép khai thác nhưng nhóm chúng tôi là doanh nghiệp và báo chí khảo sát nên mới là nhóm thứ 5 được vào hang, cũng là nhóm đông nhất, những nhóm trước ít thì 2 người, nhiều thì 4 người. Trước lúc khởi hành, chúng tôi được HDV yêu cầu trang phục gọn nhẹ, mang giày thể thao hoặc dép quai hậu, tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của HDV; HDV cũng cảnh báo việc có thể bị vắt tấn công.
Từ đường lớn chúng tôi rẽ vào ngõ nhỏ rồi theo đường mòn tiến dần lên núi. Dọc đường, chúng tôi đi qua một rẫy ngô lớn đang mùa trổ cờ tạo nên một sắc vàng nâu hút mắt; rẫy ngô kéo dài xuống tận chân núi, dẫn vào một bản dân tộc. Dù đã hơn 9h sáng nhưng bản vẫn còn khá yên ắng, không biết do trận mưa đêm trước hay mọi người đã vào núi làm việc hết. Sườn núi bên kia bản, nhìn về phía xa, thấp thoáng những đỉnh núi xanh mờ trong sương trắng. Đường đi ngày càng hẹp, có đoạn dẫn qua những bụi mai xanh tốt, có cây đường kính lên đến 20cm. Người dẫn đường cho biết mai là do đồng bào dân tộc trồng, không phải mọc tự nhiên. Người dẫn đường đi phía trước, thỉnh thoảng dùng dao quắm phát bớt những cành lá lòa xòa ven đường cho chúng tôi dễ đi hơn.
Cầu tạm do người dân địa phương bắc qua suối
Chúng tôi cứ đi lên, đi lên; đoạn đi dọc suối, lội qua suối, đi qua những chiếc cầu tạm do người dân địa phương bắc, đi bên vực suối nghe nước chảy rì rầm, có đoạn dốc cao vừa leo vừa thở hổn hển… Giữa lưng chừng núi, chúng tôi đi qua một thung lũng rộng tuyệt đẹp. Người dân đang trồng ngô, lác đác một hai ngôi nhà có tiếng nói chuyện và tiếng kêu của những vật nuôi. Tôi ngẩn ngơ nghĩ đến một chuyến pic nic cắm trại qua đêm ở thung lũng vào một dịp nào đó sau này. Từ thung lũng, chúng tôi men dọc theo con suối, bên cạnh những đám ruộng để tiến gần hơn đến cửa hang.
Thiên đường trong hang
Ông Nguyễn Tuấn Linh và các HDV của Mr Linh’s Adventures liên tục khoe với đoàn chúng tôi về độ hoành tráng của hang Lọ Mọ, có thể ví như Sơn Đoòng của miền Bắc. Tôi chưa được khám phá Sơn Đoòng, nhưng tôi cùng các thành viên trong nhóm đều cho rằng công sức chúng tôi bỏ ra dọc đường đi đã được đền đáp xứng đáng trên cả mong đợi.
Nước trong hang trong vắt, không có bùn, có đoạn sâu hơn thắt lưng có đoạn thấp hơn đầu gối
Lối vào hang nằm giữa lưng chừng núi, được được khéo léo che lấp bởi cánh rừng nguyên sinh nên nếu không có người dẫn đường sẽ rất khó phát hiện ra. Từ cửa hang, chúng tôi leo xuống lòng hang trong tư thế ngồi. Vào đến trong hang chúng tôi như lạc vào xứ sở thần tiên; dưới chân là dòng suối trong vắt chảy róc rách, bên trên là vòm hang rộng rãi với đủ kiểu tạo hình. HDV dẫn đoàn cho biết, hang có thể dài khoảng 3-5km chia làm 2 nhánh, đi sâu vào trong hang sẽ dốc lên. Nước trong hang được chảy ra từ 2 con suối khác nhau ở 2 nhánh hang và tụ lại một dòng chay ra phía cửa hang. Trần hang nhiều chỗ cao từ 30-50m, có dơi và các loại côn trùng sinh sống.
Di chuyển trong hang, có chỗ lội bì bõm nước ngang bắp đùi, có chỗ đi trên cát, lại có chỗ phải cúi người bò qua, leo qua; có chỗ rất rộng, cũng có chỗ chỉ vừa một người lách qua. Cá biệt có chỗ phải trườn người qua khe hẹp mà không gian bên trên chỉ vừa đủ cho mũi nổi trên mặt mước để thở. Do không đủ thời gian, nhóm chúng tôi chỉ khám phá một nhánh trong hang. Theo quan sát, nổi bật nhất của hang không phải các nhũ đá mà chính là đá trong hang; đá trắng muốt, mòn vẹt những mảng lớn, đá mài nhẵn các góc cạnh, thể hiện sự kỳ công kiến tạo của thiên nhiên tạo nên bức tranh sinh động trong.
Đá trắng muốt, mòn vẹt những mảng lớn, mài nhẵn các góc cạnh chạy dọc lòng hang thể hiện sự kỳ công vĩ đại của thiên nhiên
Khác với phần lớn hang động được khai thác phục vụ du lịch, hang Lọ Mọ còn nguyên vẹn, chưa được khảo sát hết, trong hang hoàn toàn tối đen. Nhóm chúng tôi phải sử dụng trang bị chuyên dụng với mũ có gắn đèn pin và mang thêm đèn pin dùng dưới nước để khám phá hang. Càng đi, chúng tôi càng chứng kiến những kỳ công của tạo hóa: Có đoạn suối chảy tràn, có đoạn chảy thành khe, có đoạn sâu hơn thắt lưng, có đoạn thấp hơn đầu gối, nước suối trong vắt, cát sỏi lạo xạo không hề có bùn. Từ những gì chúng tôi nhìn thấy có thể hình dung được nước đầu nguồn chảy vào hang rất sạch chưa chịu sự tác động nào từ phía con người.
Thật khó diễn tả hết cảm xúc khi kết thúc hành trình. Có lẽ đó là niềm tự hào, hãnh diện khi được khám phá một tuyệt tác của thiên nhiên chưa được nhiều người biết đến. Nếu đăng ký khám phá hang Sơn Đoòng thì tôi là người thứ “n”, nhưng với Lọ Mọ tôi vinh dự là một trong số những người đầu tiên. Toàn bộ hang đều có suối chảy qua, nhưng đồng bảo bản địa lại gọi là hang lửa. Có lẽ lửa ở đây là sự đam mê, nhiệt huyết, ai hội tụ đủ mới vượt qua những trở ngại vất vả để chinh phục hang chăng? Điều đáng tiếc nhất trong hành trình của tôi lần này, nói ra có vẻ như chuyện hài, tôi là người duy nhất trong đoàn bị vắt tấn công. HDV chỉ tôi 2 dấu rỉ máu trên chân, tôi tìm thấy dấu thứ 3 dưới quai dép, nhưng chẳng thể nhìn thấy hình dáng chú vắt thế nào cả.