Sau khi được ô tô đưa từ trung tâm xã đến chân bìa rừng, cả đoàn chúng tôi cuốc bộ, leo núi, vượt suối. Đường vào núi chỉ có duy nhất một đường mòn, khá hiểm trở, phải băng qua các nương ruộng của dân, qua các khe suối, cầu tre, lối đi cây cối rậm rạp.
Hang nằm trên lưng chừng núi đá cao. Đây là một hang động còn rất hoang sơ, khó phát hiện cửa vào. Chúng tôi tập trung ở cửa hang, bắt đầu hành trình khám phá lòng hang.
Đường bắt đầu vào hang, nước chảy xiết dưới chân
Từ cửa hang đi xuống sâu khoảng 20m khá trơn trượt bởi dưới là đất, phía trên từ vòm cửa hang nước nhỏ xuống liên hồi. Ngay lối dẫn vào trong động là những khối thạch đá có hình thù như hàm răng của con khủng long khổng lồ, phía dưới là dòng suối ngầm trong lòng hang với độ nông và dòng chảy vừa phải, bên trong có dòng suối khá rộng, dài hàng chục mét, có chỗ nước sâu khoảng 1,5m, nhiều chỗ quá trình nước chảy bào mòn tạo thành khối thạch nhũ vàng, trắng với nhiều hình dáng khác nhau, rất đẹp và huyền bí.
Vòm hang không quá rộng nhưng sâu hun hút
Theo người dân thì Thẳm Phầy theo tiếng Tày có nghĩa là hang Lửa, đã được người dân địa phương phát hiện nhiều năm nay nhưng gần đây mới được khám phá. Theo nhận định sơ bộ, hang Thẳm Phầy hình thành do ảnh hưởng của núi lửa phun trào, và sự kiến tạo của núi đá vôi được dòng sông ngầm chảy qua gây ra sự bào mòn của địa chất, kết hợp với những giọt nước có khoáng chất của đá vôi nhỏ giọt sau hàng triệu năm tạo cho hang động những nhũ đá và măng đá trải dài.
Vòm hang khá rộng khi vào sâu bên trong
Khắp trên trần hang và cạnh hang là vô số nhũ đã hình dạng tuyệt đẹp, hai bên lối vào hang cũng có những bờ đá với hình thù đẹp mắt. Đi sâu vào lòng hang, nhiều đàn dơi bám đen trên nóc vòm. Những hình ảnh này không khác gì đã thấy ở Sơn Đoòng.
Phía dưới hang là dòng suối trong vắt, có chỗ chỉ sâu đến bắp chân, có thể nhìn rõ nền đá trắng ở đáy, nhưng có chỗ sâu đến ngang ngực, đáy chủ yếu là cát. Đi sâu vào lòng hang khoảng hơn 1km thì có 2 nhánh động, một nhánh phía trái ăn sâu vào sườn núi, nhánh thứ 2 bên phải ăn vào lòng núi, mực nước khá sâu.
Nước trong khe đá tạo thành những dòng thác nhỏ.
Chúng tôi quyết định đi theo nhánh bên trái. Càng vào sâu trong hang không khí càng lạnh. Nước dưới chân lạnh và chảy xiết, các lớp thạch nhũ kỳ lạ xuất hiện càng nhiều. Điều đặc biệt trong hang là tại các khu vực trần hang thấp, người đi phải cúi gập người mới đi qua, có các tơ đá mỏng manh mà rất ít các hang động có được. Có những khe nứt từ vách hang tạo ra những con thác nhỏ.
Thạch nhũ và măng đá được hình thành qua hàng triệu năm.
Đi thêm 1km, đường bắt đầu khó đi và nước chảy xiết hơn, do chưa có ai trong đoàn nắm rõ địa hình hang nên đoàn quyết định quay lại. Có người đi theo nhánh bên phải đã phải lặn xuống dưới dòng nước để qua được vòm hang, nhưng độ sâu của hang ở nhánh này ngắn nên đã quay trở lại.
Càng vào sâu địa hình hang càng dốc thẳng, khó đi.
Có những đoạn nước ngập đến bụng, dòng phía dưới chảy xiết rất nguy hiểm.
Khi ra đến cửa hang chúng tôi gặp bác nông dân Hoàng Văn Uyên. Ông cho biết đã đi gần như hết hang từ 6h tối đến sáng hôm sau ra khỏi hang ở bên kia sườn núi. Chiều dài hang ước tính 5 – 6 km. Cũng theo ông Uyên, vào mùa lũ, dòng suối gần cửa hang nước chảy xiết ngập cầu rất nguy hiểm, trong hang nước có thể lên bất cứ lúc nào làm ngập trần hang.
Cảnh trong hang rất đẹp và nguyên sơ.
Hang Thẳm Phầy đang được các cơ quan chức năng đánh giá hiện trạng để có thể quy hoạch đưa vào khai thác thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Bắc Cạn. Nhưng hiện tại, các đoàn du lịch tự phát hạn chế vào hang khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương.