Cùng với nhiều phong trào nhặt rác diễn ra tại các điểm du lịch, bãi biển, địa bàn dân cư tại các địa phương. Nhiều bạn trẻ vừa có chuyến đến vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) tiến hành dọn vệ sinh môi trường các điểm tham quan trong khu vực.
Chúng tôi lên hồ Ba Bể (Bắc Kạn) những ngày tháng sáu, giữa mùa lúa chín. Chiếc thuyền máy lướt trên mặt hồ lấp lánh, về phía thác Đầu Đẳng, núi hai bên ẩn hiện, sương mù phảng phất. An Phúc, một thành viên trong đoàn tham gia chương trình nhặt rác bảo vệ môi trường Ba Bể bộc bạch rằng, biết Ba Bể trong bài tập đọc hồi nhỏ. Ấn tượng của anh, Ba Bể luôn có hình ảnh những chiếc thuyền độc mộc lướt đi trong sương sớm, và bóng áo chàm xanh lững lờ trên mặt hồ xanh ngắt…
Hồ Ba Bể được ví như “viên ngọc xanh” giữa núi rừng Bắc Kạn, nhưng đang đứng trước nguy cơ mất đi vẻ đẹp thiên tạo do rác thải.
Hồ Ba Bể được ví như “viên ngọc xanh” giữa núi rừng Bắc Kạn, nhưng đang đứng trước nguy cơ mất đi vẻ đẹp thiên tạo do rác thải
Đứng trước vẻ đẹp tự nhiên hấp dẫn và sự tĩnh lặng của Ba Bể, anh An Phúc có những khoảng lặng trăn trở, khi nhận ra có cả đám váng dầu lớn và lác đác rác thải nhựa trên mặt hồ. Trong vùng nước giữa đảo An Mã, Bà Góa, hay Ao Tiên và bến thuyền, cũng rất nhiều rác thải nhựa. Dường như hiểu được sự tiếc nuối của chúng tôi, người lái thuyền máy họ Lý (xin không nêu tên) lý giải: “Sau mỗi trận mưa, hồ lại phải oằn mình chống chọi với rác do sự vô ý của một bộ phận người dân ven lòng hồ, dân sống trên thượng nguồn các con sông Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng và một số du khách tham quan. Họ ném chai, lọ xuống hồ, nhét vào hốc cây, hộc đá”.
Thuyền rẽ hướng về bản Pắc Ngòi, thật sự không tin nổi, khi trước mắt chúng tôi những mảng rác rộng chừng hàng chục mét vuông nổi lềnh bềnh trên hồ. Tất cả các thuyền trong năm nhóm nhặt rác hôm ấy đều được gọi đến tiếp ứng. Phải tới khi trời nhập nhoạng tối cả đoàn hơn ba chục thành viên mới vớt hết số rác thải góc hồ này. Trời nhá nhem tối, nhìn lượng rác được tập kết về bến thuyền chất đầy chiếc xe tải mang đi đổ nơi quy định, anh Nguyễn Tuấn Linh, giám đốc Công ty Du lịch Phiêu lưu cùng Mr Linh (Mr Linh’s Adventures), người đứng ra tổ chức chương trình này không khỏi xót xa.
Anh Tuấn Linh (thứ hai từ phải qua) coi việc nhặt rác thường xuyên trên hồ là bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
Trước khi trở thành ông chủ homestay nằm bên hồ, mười năm trước, anh Tuấn Linh làm nghề lái thuyền máy đưa khách tham quan. Cuối năm 2010, thấy rác thải người dân vứt ra quá nhiều, trôi nổi trên mặt hồ, tạo ra hình ảnh cực kỳ phản cảm, Linh đã thành lập đội tình nguyện cùng bà con dân bản thu dọn rác. Hằng ngày, anh dùng thuyền máy chở người dân đi gom rác trên hồ, đưa về điểm tập kết. Có du khách lưu trú lâu ngày nhìn thấy việc làm của anh mỗi ngày đã hỏi lý do gì khiến anh làm công việc tự nguyện này, anh chỉ trả lời đơn giản: “Tôi yêu thiên nhiên, yêu khung cảnh hoang sơ và nhất là không khí trong lành nơi này, thấy rác thải quá nhiều nên dọn thôi”.
Để Ba Bể còn không rác thải, năm 2020 là lần thứ hai anh đứng ra tổ chức chương trình dọn rác với quy mô gần năm chục người đến từ các tỉnh, thành. “Mỗi năm một lần, mong muốn của chúng tôi không chỉ với riêng vùng hồ Ba Bể, mà mỗi năm hoạt động tại một địa phương, một điểm đến du lịch khác nhau. Sang năm có thể phát động ở những điểm tham quan du lịch lớn ở Cao Bằng, Hà Giang… Bởi tôi cho rằng, trên những vùng miền núi, việc tái chế hoặc thu gom rác thải luôn khó khăn, do không có khu xử lý rác, hoặc bà con chưa được hướng dẫn tốt. Người dân và du khách khi nhìn thấy hoạt động của chúng tôi sẽ tăng dần ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc vứt xả rác bừa bãi”, anh Tuấn Linh nói.
Nhiều bạn trẻ đến từ các tỉnh, thành phố và du khách tham gia nhặt rác làm sạch khu du lịch hồ Ba Bể
Nhiều bạn trẻ đến từ các tỉnh, thành phố và du khách tham gia nhặt rác làm sạch khu du lịch hồ Ba Bể
Tham gia cùng người dân tham gia làm sạch khu du lịch hồ, ông Ngô Văn Vấn - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bắc Kạn cho biết, hiện nay, nhận thức của người dân địa phương quanh hồ đã được nâng lên rất nhiều. “Tuy nhiên tôi mong muốn các chủ homestay, đơn vị làm du lịch cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bởi khai thác giá trị của tài nguyên, nếu muốn tài nguyên bền vững thì việc đầu tiên là phải bảo vệ tài nguyên đó. Muốn vậy, trước mỗi chương trình tour, người làm du lịch cần phổ biến cho du khách về yêu và bảo vệ môi trường, phát cho du khách những túi thu gom rác do mình thải ra, xe vận chuyển cũng cũng cần được trang bị thùng rác, cuối ngày hoặc khi dừng ở điểm đến thì chuyển xuống để vào vị trí thu gom. Trách nhiệm của họ không chỉ đối với môi trường mà còn đối với cả cộng đồng địa phương”, ông Vấn mong muốn.