1 - CƯỚI HỎI
Lễ Dạm Hỏi
Tại lễ này, một người chú, bác đại diện cho nhà trai mang theo một đôi gà trống thiến, gạo nếp cùng một người đi cùng gánh lễ vật để xin ăn hỏi.
Lễ Dạm Hỏi của đồng bào dân tộc Tày
Lễ Ăn hỏi (Lễ nhận thông gia)
Thành phần gồm 1 ông chú hoặc bác bên bố chàng trai làm trưởng đoàn, 1 ông chú hoặc bác bên mẹ chàng trai làm phó đoàn. Lễ vật đám hỏi 12 mâm khách gồm:
• 12 con gà hoặc 1 con lợn khoảng 40–50 kg
• Bánh chưng
• Bánh giày
• Rượu
Từ lễ ăn hỏi này, hai bên xin phép được qua lại nhà nhau như người nhà trong những ngày lễ tết hay có công việc lớn.
Lễ cưới
Nhà trai xem ngày tốt để tiến hành lễ cưới. Tục thách cưới, nhà trai phải lo toàn bộ đồ ăn cho khách mời của nhà gái trong ngày cưới như: gà, lợn, xôi, bánh, gạo, rượu.... Trước đây, thách cưới bằng bạc trắng, nay thách cưới bằng tiền để sắm đồ cưới. Theo phong tục, những gia đình có con gái từ 10 tuổi trở lên phải trồng bông dệt vải. Khi cô dâu về nhà chồng phải chuẩn bị cho ông bà nội, ngoại, bố mẹ chồng, cô, dì, chú bác bên chồng mỗi gia đình một đôi gối, một cái chăn bông. Nếu anh em chưa có gia đình thì mỗi người sẽ được cô dâu tặng một cái chăn và một cái gối. Đồng thời, cô dâu còn phải chuẩn bị đầy đủ mọi dụng cụ, phục vụ sinh hoạt và lao động sản xuất để mang theo về nhà chồng.
Hai bên nhà trai và nhà gái có đôi lời phát biểu
Trước khi nhà trai đi đón dâu phải làm lễ cúng tổ tiên. Khi đi đón dâu, nhà trai gồm có 2 người cao tuổi đại diện, chú rể, phù rể, bà gia hặp (bà đưa cơi trầu). Đi đến chân cầu thang nhà gái, ông bác đại diện nhà trai xin phép rửa chân để lên nhà nói chuyện xin dâu. Trước khi ăn cơm ở nhà gái, 2 người lớn tuổi đại diện nhà trai cùng chú rể, phù rể phải đi mời cơm lần lượt quan khách của họ nhà gái. Trước khi đoàn trở về nhà trai, cô dâu, chú rể lạy ông bà, bố mẹ,... nhà gái mỗi người 3 lạy. Đoàn rước dâu khi đi ra khỏi nhà gái thì bố trí 2 người cao tuổi đại diện nhà trai đi trước, cô dâu, chú rể đi sau, tay cô dâu cầm nón, thẻ hương.
Đoàn rước dâu bên nhà gái gồm phù dâu, bà tái thống và ông ta thống
Khi xuống cầu thang, cô dâu đội nón lên đầu, đến chân cầu thang cắm một thẻ hương. Ra đến cổng nhà lại cắm một thẻ hương ở cổng. Đoàn đưa dâu đại diện cho họ nhà gái gồm có 1 ông, 1 bà cao tuổi (ông ta thống, bà tai thống) phù dâu, anh em, bạn bè... Buổi tối hôm đón dâu, bà tái thống, ông ta thống và phù dâu ngủ lại ở nhà trai. Bà tai thống và phù dâu sẽ ngủ cùng cô dâu. Sáng hôm sau, cô dâu, phù dâu dậy sớm lấy nước, lấy khăn bê đến cho mọi người trong nhà rửa mặt.
2 - LỄ HỘI LỒNG TỒNG:
Lễ hội Lồng tồng cũng thường gọi là Hội xuống đồng, là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: Nùng, Dao, Sán Chỉ.... được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Nơi tổ chức tại những ruộng tốt nhất, to nhất.
Lễ hội Lồng Tồng hồ Ba Bể
Vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu, khẳng định lễ hội này có từ bao giờ. Nhưng chắc chắn rằng, khởi nguồn của lễ hội phải được sinh ra từ xã hội của người Tày khi đã sống thành làng bản quần cư trong cộng đồng.
Có rất nhiều hoạt động tại lễ hội Lồng Tồng
Thời gian tổ chức:
Tùy theo tưng nơi, ấn định cho phù hợp với địa hình. Các địa phương gần nhau thì có thể thỏa thuận chọn ngày khác nhau để có điều kiện giao lưu, trao đổi. Đối với người Tày Ba Bể lễ hội Lồng Tồng được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày mồng 9 đến hết ngày 11 tháng giêng hàng năm.
Những mâm lễ cúng được chuẩn bị kỹ càng cho thấy lòng thành của người dân cầu cho một năm mưa thuận gió hòa
Tổ chức lễ hội
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng của Bản, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ. Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt được thực hiện do các thầy tào tiến hành.
Trong hoạt động lễ hội
Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn được chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai cao từ 20–30 cm làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 – 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo.
Có rất nhiều tiết mục từ đồng bào dân tộc sống xung quanh hồ trong đó có tiết mục hát then của dân tộc Tày
Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau.
Tiết mục múa sư tử mở đầu lễ hội
• Các hoạt động đều có nét rất riêng từng vùng như:
+ Rước cờ
+ Múa sư tử
+ Đi cà kheo
+ Múa rối
+ Chọi gà
+ Đánh đu
+ Múa võ
+ Kéo co
+ Đẩy gậy
+ Hát then
Đêm về, nam nữ thanh niên thi, hát lượn đối đáp suốt canh dài...
3 - LỄ HỘI NÀNG HAI
Lễ hội Nàng Hai là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Tày, Việt Bắc, là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo. Theo đúng tên gọi là: “Mời Nàng Hai (mời Nàng Trăng) xuống hạ giới để giao lưu cùng với con người.
Với nhiều hình thức khác nhau, đó là: Lễ mời “Nàng Hai” được gắn với các lễ Then như: Lẩu Then, Cống Sử, Kỳ Em... và tổ chức vào các đêm trăng mùa thu với các trò chơi phong phú như: Hát lượn Hai, bói việc sản xuất, tình duyên... Lễ thường do một nhóm trai gái tụ tập trên nhà sàn, thắp hương mời Nàng Hai về nhập vào một cô gái nào đó để hát đối đáp, hoặc là dân bản đứng ở một sân bãi, trong đó có một người chủ chốt làm lễ mời Nàng Hai về.
Lễ hội truyền thống Nàng Hai của đồng bào dân tộc Tày
Một hình thức nữa được tổ chức vào tháng 3 âm lịch diễn ra trong nhiều ngày, theo quy mô bản và xã. Trong các ngày lễ hội sẽ diễn ra các bài tung lên mường trời cầu mùa, kèm theo các nghi lễ múa quạt. Đặc biệt là hình thức trình diễn trên sân khấu. Lễ diễn ra có một bà Then làm chủ, dâng lễ lên trời mời Nàng Hai nhập vào hai cô gái để hát đối đáp chúc phúc cho dân bản có một mùa màng bội thu và chia sẻ với những người không gặp may mắn. Cho dù không cố định, không đúng thời gian, nhưng nhìn chung lễ hội Nàng Hai đều được tổ chức theo các trình tự khá bài bản.
4 - LỄ HỘI RƯỚC ĐẤT RƯỚC NƯỚC
Lễ hội rước Đất, rước Nước là một lễ hội của đồng bào dân tộc Tày, để cầu xin Mẹ Đất, Mẹ Nước phù hộ cho đất luôn màu mỡ, cầu cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp dân bản có cuộc sống no đủ quanh năm.
Thời gian:
Diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm.
Địa điểm tổ chức
Là cánh đồng rộng của bản. Khi các đoàn rước tới nơi, ba hồi kèn trống nổi lên vang động đất trời, thấu đến chín tầng cao xanh như báo cho Trời - Đất biết: Ngày hôm nay dân làng mở hội. Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu khấn.
Phần lễ
Từ sáng sớm, dân làng đã cử một đoàn người gồm: thầy cúng, đội trống, chiêng, khèn và các cô, các chị (là những người chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống gia đình yên bình khỏe mạnh) đi lên ngọn núi-nơi có nguồn nước trong nhất bản - rước hồn Đất, hồn Nước về dự hội. Đi đầu đoàn rước là thầy cúng. Thầy là người giữ vai trò làm sứ giả để giao tiếp với các vị thần linh. Trong tay thầy cầm cây nêu - biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở - rước đến địa điểm diễn ra lễ hội. Tiếp theo là kiệu rước Nước và các mâm lễ. Nước được đựng trong hai ống bương to, tượng trưng cho ống bố, ống mẹ. Tiếp đến là kiệu rước Đất - hồn mẹ Đất được lấy từ trên đỉnh núi cao thiêng liêng. Sau đó là đến các mâm lễ để dâng các vị thần linh.
Lễ hội rước Đất rước Nước của đồng bào dân tộc Tày
Lễ vật gồm một mâm quả còn, bên trong các quả còn đựng các loại hạt giống, các mâm xôi ngũ sắc, gà luộc, hoa quả… đều là những sản vật tinh túy của mùa màng – thành quả sản xuất của dân bản trong năm. Đội chiêng trống đi hai bên thầy cúng nổi chiêng trống để thầy giao linh với các vị thần. Tiếp đó, thầy cúng phun nước làm phép để xua các điều xấu, xua quỷ dữ không cho về quấy phá dân bản. Rồi thầy tung lộc (ngô, lúa) của thần linh cho dân bản, những người dự hội ai cũng cố gắng nhận cho được vài hạt thóc, hạt ngô đem về nhà làm khước may mắn để nhà mình vụ sau ngô sai hạt, lúa sai bông.
Phần hội
Mọi người bước vào phần hội với những màn xòe điệu nghệ của các cô gái, chàng trai. Khi các màn xòe kết thúc là các trò chơi dân gian như:
• Kéo co
• Đẩy gậy
• Chọi gà
• Chọi trâu (bằng bắp bi chuối và măng)
• Ném còn…