Hồ được ví như viên ngọc lục bảo ẩn mình giữa thiên nhiên núi rừng Đông Bắc, phẳng lặng như tấm gương soi khổng lồ in bóng núi đá, mây trời.
Đây là một trong những hồ kiến tạo đẹp và lớn nhất nước ta, được hình thành từ một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đụng rỗng lòng khối núi. Giá trị của hồ Ba Bể không chỉ dừng lại ở giá trị du lịch mà còn là giá trị địa chất địa mạo với sự đa dạng sinh học bởi vì nơi đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Đến cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Mặt hồ rộng mênh mông như một tấm gương khổng lồ soi bóng cây, những rặng núi đá
Mặt hồ mênh mông với diện tích 650ha, độ sâu trung bình khoảng 20-25m, trải dài trên hơn 8km. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi xuất phát từ viêc hồ là nơi tụ hội của ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Đến với Hồ Ba Bể, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ nhưng không kém phần thơ mộng ẩn sau làn mây tuyệt đẹp.
Hồ Ba Bể được thiên nhiên ưu ái ban tặng thảm thực vật đa dạng, phong phú
Quý khách có thể thỏa mình nhìn ngắm sự chuyển mình của hồ Ba Bể chỉ trong một ngày. Vào sáng sớm khi sương mù còn giăng giăng khắp núi rừng, hồ Ba Bể thấp thoáng như nàng tiên đang bay lượn với tấm váy trắng tinh khổng lồ. Khi hoàng hôn đổ bóng, hồ Ba Bể lung linh huyền ảo trong muôn vàn tia nắng rực rỡ. Ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp hồ Ba Bể, du khách còn có cơ hội được thưởng thức những món đặc sản khó tìm từ nơi khác như cá hồ, tôm cùng nhiều món ăn đặc sắc khác như gà đồi, rau rừng, thịt lợn sữa, nếp nương hay măng trúc…
Những món đặc sản thấm đậm hương vị núi rừng
Khi nhắc đến hồ Ba Bể, chúng ta không thể không kể đến những giai thoại được truyền lại từ bao đời nay về sự tích hình thành của hồ:
SỰ TÍCH HỒ BA BỂ
Ngày xửa ngày xưa, ở xã Nam Mẫu thuộc tỉnh Bắc Kạn có phong tục mở hội cầu Phật vào dịp đầu năm. Dân làng ăn mặc đẹp đẽ, nô nức lên chùa thắp hương, khấn vái, mong được nhiều điều may mắn.
Một hôm, bỗng có một bà lão ăn xin từ đâu tới. Trông bà già thật đáng sợ. Thân hình bà gầy gò, lở loét, quẩn áo bẩn thỉu bốc mùi hôi thối. Vừa đi bà vừa thều thào xin ăn: “Tôi đói quá! Mong các ông các bà làm phúc!”. Mọi người sợ hãi, xua đuổi bà ra khỏi đám đông. Bà lão lê bước tới ngã ba thì gặp hai mẹ con cậu bé đi chợ về. Thấy bà lão ăn xin tội nghiệp, người mẹ đưa bà về nhà, lấy cơm cho ăn rồi mời nghỉ lại qua đêm.
Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Ba Bể vào mỗi dịp tết đến xuân về
Đến khuya, hai mẹ con nhìn ra chỗ bà già nằm thì thấy sáng rực lên. Một con giao long khổng lồ đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất đang cuộn mình nơi góc nhà. Hai mẹ con kinh hãi rụng rời, đành nhắm mắt, nín thở, nằm im phó mặc cho số phận.
Sáng ra, họ chẳng thấy con giao long đâu cả. Trên chõng, vẫn là bà cụ ăn mày ốm yếu, lở loét. Bà cụ đang chuẩn bị đi, vẫy người mẹ lại gần, bà bảo rằng vùng này sắp có lụt lớn và đưa cho một gói tro bếp dặn đem rắc quanh nhà. Nghe vậy, người mẹ lo lắng hỏi làm thế nào để cứu người bị nạn. Bà cụ nhặt hạt thóc, cắn vỡ ra rồi đưa hai mảnh vỏ trấu và dặn dùng nó để làm việc thiện. Vụt một cái, bà cụ biến mất. Hai mẹ con bàng hoàng khôn xiết. Người mẹ vội mang chuyện kể lại cho dân làng nghe nhưng chẳng ai tin cả.
Quả nhiên, tối hôm đó, lúc mọi người đang lễ bái thì một cột nước dưới đất phụt mạnh lên. Nước phun đến đâu, đất lở đến đấy. Dân làng kinh hoàng, chen nhau chạy thoát thân. Bỗng một tiếng ầm rung chuyển mặt đất, nhà cửa và muôn vật trong phút chốc chìm sâu trong biển nước.
Gò Bà Góa nổi bật giữa mặt hồ rộng lớn
Riêng ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con tốt bụng vẫn khô ráo, nguyên vẹn và nước ngập tới đâu là nền nhà lại nâng lên tới đó. Người mẹ xót xa trước thảm cảnh, sực nhớ lời bà lão dặn, liền thả hai mảnh vỏ trấu xuống nước. Kì lạ thay, chúng biến thành hai chiếc thuyền độc mộc. Thế là mặc gió lớn, mưa to, hai mẹ con ra sức cứu vớt người bị nạn. Khi nước rút, chỗ đất bị sụp xuống biến thành hồ Ba Bể, còn nền nhà của hai mẹ con thành chiếc gò nổi giữa hổ, nay được người dân gọi là gò Bà Goá.