Vườn Quốc gia Ba Bể không chỉ là một danh thắng nổi tiếng của thế giới, là khu Ramsar ngập nước trên núi đá vôi, khu bảo tồn sinh quyển lớn đa dạng các loại động thực vật mà nơi đây còn được biết đến với hệ thống hang động kì vĩ đã và đang trong quá trình kiến tạo bao gồm hệ thống hang khô, hệ thống hang nước và hệ thống sông ngầm.
ĐỘNG PUÔNG
Là một tuyệt tác thiên nhiên nằm ở phía Bắc vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc quần thể dãy đá vôi Lũng Nham - động Puông là một thắng cảnh được tôn tạo tự nhiên, có dòng sông Năng chảy qua từ phía Đông Bắc ra phía Tây Nam.
Lối đi bộ vào động Puông
Là một hang động thông hai đầu, động Puông có chiều dài khoảng 300m, chiều cao hơn 30m với các vách đá đứng và nhiều nhũ đá có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau, được hình thành khi con sông Năng chảy xuyên qua chân núi đá vôi Lũng Nham tạo nên một cảnh quan đá vôi vô cùng ngoạn mục. Hai bên cửa động vút đứng và khá phẳng như được đẽo gọt kì công từ hàng triệu năm về trước. Do có nhiều ánh sáng mà từ phía bên ngoài động đã lộ hiện những mảng đá hoa cương từng bị che lấp bởi những thảm rêu xanh theo thời gian. Bên trong động, những dải thạch nhủ hình thù kỳ lạ rủ xuống soi bóng lung linh trên dòng nước.
Hai bên cửa động vút đứng và khá phẳng như được đẽo gọt kì công từ hàng triệu năm về trước
Đây là nơi trú ngụ của 23 loài dơi khác nhau với số lượng lên đến hàng vạn con. Nhiệt độ trung bình ở trong động giao động trong khoảng từ 18 – 20 độ C. Bởi vậy dù là mùa hè hay mùa đông thì du khách đến nơi đây vẫn luôn cảm thấy rất dễ chịu với nền nhiệt ít biến đổi của động. Du khách đến với Động Puông sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh quan vô cùng kỳ thú, sinh động, kết hợp với các yêú tố tinh hoa của sông núi, non nước Việt Nam.
Khung cảnh động Puông nhìn từ phía bên trong động ra bên ngoài
ĐỘNG HUA MẠ (LÈO PÈN)
Nằm ở phía Nam hồ Ba Bể, bên dòng sông Lèng tĩnh mịch, động Hua Mạ nằm trên lưng chừng ngọn núi Cô Đơn thuộc khu Lèo Pèn (Rừng ma) quanh năm cây cối xanh rì, rậm rạp. Với độ cao 350m so với mặt nước biển, từ chân núi Cô Đơn du khách có thể men theo các bậc cầu thang dọc sườn núi dốc thoai thoải là tới cửa động.
Trong động có rất nhiều nhũ đá đẹp với hình thù độc đáo
Động Hua Mạ có chiều dài tới hơn 700m, trần động có chỗ rộng và cao tới 40 – 50m, chứa đựng nhiều vách, nhũ đá lung linh kỳ vĩ. Bước chân vào động, không gian thoáng đãng do lòng hang rộng và thông nhau tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Trong động có rất nhiều nhũ đá đẹp với hình thù độc đáo như: Tượng Phật bà Quan Âm trên tòa sen, hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi lấy Kinh, khu ruộng bậc thang, rèm đá, cổng đá... Vẻ đẹp của động được khám phá vào năm 2004, từ đó đến nay, động Hua Mạ không ngừng được đầu tư và lưu giữ, cho đến nay Động Hua Mạ thực sự là một trong những hang động tự nhiên còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên và hoang sơ nhất Bắc Kạn.
Những dải nhũ đá tuyệt đẹp bên trong động Hua Mạ
SỰ TÍCH ĐỘNG HUA MẠ
Theo lời kể của những người dân sinh sống nơi đây thì Rừng Ma xưa kia là nơi ma quỷ ngự trị. Cứ vào buổi chiều tà, tiếng kêu hú từ phía hang động Hua Mạ vọng ra gây chấn động cả một vùng cho đến tận đêm khuya, dân chúng trong vùng không ai dám đi lại trong thời điểm đó.
Ngày đó có một vị tướng triều đình đi tuần thú qua đây, khi đến bờ sông Lèng thì trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay, khi qua sông Lèng, cứ xuống đến nước thì ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó không bình thường.
Cùng lúc đó từ phía hang Lèo Pèn, tiếng hú, tiếng oan hồn kêu khóc vọng ra. Thấy sự việc lạ, quan quân cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc. Họ đã cố thủ trong hang. Bọn giặc không làm gì được đã bít cửa hang, do đó những oan hồn không được siêu thoát.
Cái tên Hua Mạ xuất phát từ sự tích quan quân lấy đầu ngựa làm lễ tế trời cầu cho các linh hồn dân binh bị giam lại trong hang được siêu thoát
Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa, lấy đầu ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn, nơi đó qua năm tháng đã mọc lên những khối nhũ đá rất đặc biệt kỳ vĩ, có chỗ như bông hoa đá, lại có nơi như đức Quan âm bồ tát đưa tiễn thầy trò Tam Tạng đi lấy kinh, có nơi lại như một thủy cung, hoàng cung trong “Buổi thiết triều”. Từ đó người ta gọi sơn động “Lèn Pèn” là động Hua Mạ theo tiếng địa phương nghĩa là hang Đầu Ngựa, để ghi nhớ một sự tích kỳ bí và huyền thoại của mảnh đất và con người nơi đây.
HANG THẲM PHẦY
Nằm không xa tính từ chân núi Cô Đơn, hang Thẳm Phầy được ví như hang Sơn Đòong của miền Bắc. Đây là một hang nước độc đáo với chiều dài từ 3 – 6km và chiều cao có thể lên tới 40m. Đây là một hang động nguyên sơ còn chưa được nhiều người biết đến với cậu tạo địa chất vô cùng độc đáo với nhiều măng đá và nhũ đá và những cột đá khổng lồ, với hình dạng và màu sắc khó tin.
Lối vào bên trong động với thành động có hình thù đẹp mặt do sự vận động của dòng chảy trong hàng triệu năm
Trong hang cũng có tập hợp nhiều loại động thực vật cùng sinh sống như dơi, các loại côn trùng và các loại địa y. Lối vào hang nằm khuất sau những tán lá cây rậm rạp, khó nhìn thấy. Để đi đến cửa hang, du khách sẽ phải đi bộ, leo núi, vượt suối. Đường vào núi chỉ có duy nhất một đường mòn, khá hiểm trở, phải băng qua các nương ruộng của dân, qua các khe suối, cầu tre, lối đi cây cối rậm rạp. Theo người dân thì Thẳm Phầy theo tiếng Tày có nghĩa là hang Lửa, đã được người dân địa phương phát hiện nhiều năm nay nhưng gần đây mới được khám phá.
Lối vào hang khá hẹp, bị che lấp bởi những lùm cây nên rất khó nhìn thấy
Theo nhận định sơ bộ, hang Thẳm Phầy hình thành do ảnh hưởng của núi lửa phun trào, và sự kiến tạo của núi đá vôi được dòng sông ngầm chảy qua gây ra sự bào mòn của địa chất, kết hợp với những giọt nước có khoáng chất của đá vôi nhỏ giọt sau hàng triệu năm tạo cho hang động những nhũ đá và măng đá trải dài.
Những giọt nước có khoáng chất của đá vôi nhỏ giọt sau hàng triệu năm tạo cho hang động những nhũ đá và măng đá trải dài
Khắp trên trần hang và cạnh hang là vô số nhũ đã hình dạng tuyệt đẹp, hai bên lối vào hang cũng có những bờ đá với hình thù đẹp mắt. Đi sâu vào lòng hang, nhiều đàn dơi bám đen trên nóc vòm. Những hình ảnh này không khác gì đã thấy ở Sơn Đoòng.
Hang động trải dài về phía sau
HANG NÀ PHÒONG
Nằm trong vùng lõi vườn Quốc gia Ba Bể, cách thôn Bó Lù khoảng 500m về phía Đông Nam, hang Nà Phòong là một hang động có cấu tạo địa chất phức tạp với nhiều ngách, đặc biệt hang có sự kết hợp của cả hệ thống hang cạn và hệ thống sông ngầm đan xen. Chiều dài của hang được ước tính với khoảng 3km là sông ngầm trong lòng hang, có nhiệm vụ mang nước từ thượng nguồn dòng sông chảy ra từ địa phận xã Nam Cường đổ về hồ Ba Bể. Trần hang cao, có nhiều thạch nhũ đá với hệ thống hang cạn tiếp nối từ trần động thông lên tới đỉnh núi Bó Lù. Trong hang có nhiều cột nhũ đá lớn và nhiều hố sụt, cửa hang được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh, nơi đây là nơi trú ẩn của đa dạng nhiều loài dơi và bò sát.
Lối đi vào bên trong động được cây cối phủ xanh quanh miệng hang
Đặc biệt đây là một địa danh gắn liền với hoạt động của đài tiếng nói Việt Nam trong suốt những năm tháng trường kì chống thực dân Pháp, là ngôi nhà của lực lượng Việt Minh sinh sống và làm công tác mặt trận trong suốt những năm từ 1945.
Hệ thống hang đã được người dân địa phương phát hiện từ đầu những năm 2000 nhưng cho đến nay vẫn chưa được cho vào khai thác và sử dụng nên hang vẫn còn giữ được nguyên vẹn vẻ nguyên sơ, hứa hẹn sẽ là một điểm tham quan du lịch nổi bật cho những bạn trẻ ưa thích du lịch khám phá, mạo hiểm.